Nhiều năm nay, giáo dục Việt Nam luôn loanh quanh trong cuộc “khủng hoảng” về cải cách. Vậy lối đi nào mới là phù hợp?

Hằng năm, nước ta chi đến 20% ngân sách cho giáo dục. Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu của quốc gia. Thế nhưng nền giáo dục của Việt Nam vẫn chậm tiến và hầu như “dậm chân tại chỗ”. Trong thời đại bùng nổ của khoa học công nghệ như hiện nay, rất cần một số lượng lớn nhân lực có cả về kiến thức lẫn tay nghề cũng như các kỹ năng khác. Vậy mà đối với sinh viên đại học Việt Nam sau khi tốt nghiệp đa số đều thiếu đi những kỹ năng cần thiết. Do vậy tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp và làm trái ngành, trái nghề vẫn luôn ở mức cao.

Theo thống kê, trong quý III năm 2017, trên 23.000 lao động có trình độ đại học rơi vào tình trạng thất nghiệp. Nguyên do là ở việc đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng chưa được thực tế, chủ yếu vẫn chỉ là dạy kiến thức chứ không dạy thực hành. Nên khi ra trường các doanh nghiệp thường phải đào tạo thêm, thậm chí là đào tạo lại từ đầu, những kỹ năng làm việc cho các bạn sinh viên.

Để giải quyết tình trạng thất nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chắc chắn phải cải cách giáo dục. Thế nhưng bao năm trôi qua, công tác cải cách vẫn thất bại và chưa đạt được nhiều thành tựu. Theo định nghĩa về học tập của UNESCO thì học là để biết, để làm, để chung sống cùng nhau và để khẳng định mình. Ấy mà ở Việt Nam, học là để thi. Việc quá coi trọng thành tích cũng như lối dạy và học truyền thống đã hạn chế đi rất nhiều sự sáng tạo của các bạn học sinh sinh viên.

Hằng năm vẫn có các chương trình giảm tải sách giáo khoa và cấm học thêm. Nhưng giảm tải đâu chưa thấy mà chỉ thấy “tăng tải” thêm, nhất là với các em bậc tiểu học và trung học cơ sở. Ngay từ khi chưa bước vào lớp 1 mà đã thấy các em được bố mẹ cho đi học thêm cô này, thầy nọ. Rồi thấy thương sao những đôi vai nhỏ bé của các em khi phải mang những chiếc cặp nặng trịch những sách là sách. Tuổi thơ của các em phần nào mất đi, thay vào đó là học, học ngày học đêm, cốt để có được điểm cao, được giấy khen học sinh giỏi, học sinh xuất sắc.

“Hot” nhất mấy năm trở lại đây đó là việc đổi mới kỳ thi Đại học và Tốt nghiệp THPT. Việc hai kỳ thi được gộp vào làm một kỳ thi gọi là THPT Quốc gia tuy giảm được chi phí tổ chức cũng như tạo được sự thuận lợi cho học sinh khi đi thi, nhưng không phải là không có những điều khó khăn. Việc “đổi mới” từ trên ngọn xuống trong khi gốc vẫn giữ nguyên gây ra tâm lý vô cùng “hoang mang” cho các sĩ tử. Khi đang học chuyên khối A, B, C hay D truyền thống thì đùng một cái các em phải thi bắt buộc thêm 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Vậy là lại chạy vạy đi học thêm, đi ôn thi cấp tốc. Rồi khi nộp hồ sơ đăng ký vào các trường đại học cũng như “chơi chứng khoán”.

Theo tin tức nhiều phương tiện truyền thông đã đưa, đợt tuyển sinh năm 2015, chúng ta đã được chứng kiến nhiều trường đại học còn lắp đặt cả màn hình led chiếu thứ tự xếp hạng hồ sơ để tiện cho các thí sinh và người nhà theo dõi nhằm “rút ra, nộp vào” kịp thời. Đến nay thì khâu nộp hồ sơ đã được cải thiện, tuy nhiên việc trắc nghiệm hóa các bài thi, nhất là môn Toán lại gây ra nhiều tranh cãi. Mỗi năm gần đến kỳ thi THPT Quốc gia là các sĩ tử lại “thấp thỏm” xem năm nay mình sẽ lại phải thi theo hình thức đổi mới nào…

Không chỉ từ phía Bộ Giáo dục hay Nhà trường, mà việc cải cách đổi mới còn phải xuất phát từ chính các thầy cô giáo. Việc thay đổi phương pháp dạy học đọc – chép truyền thống, thay vào đó là các phương pháp kích thích khả năng tư duy, lập luận và sáng tạo của học sinh sinh viên đạt hiệu quả không ngờ. Tuy nhiên vấn đề này không phải thầy cô nào cũng sẵn sàng làm, và cũng không phải có thể dễ dàng đào tạo, tập huấn cho các giảng viên thay đổi ngay được. Thầy Trung, một giảng viên lâu năm tại trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết: “Trước đây tôi vốn dạy theo phương pháp truyền thống, đọc bài cho sinh viên chép rồi giảng thôi. Nhưng từ khi được đi tập huấn phương pháp dạy học mới, tôi đã cố gắng thay đổi cách dạy của mình để có thể truyền đạt kiến thức tốt nhất đến các bạn sinh viên. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi tin mình sẽ làm được”.

Có thể nói, vấn đề cải cách và đổi mới ngành Giáo dục Việt Nam còn là một câu chuyện dài. Chúng ta cần tự tìm ra hướng đi mới của riêng mình chứ không thể rập khuôn như các mô hình của nước ngoài rồi đưa về nước như hiện nay được.
Xem thêm:
>>> http://everywine.biz/tin-tuc/