Bắt nhịp với xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành áp dụng Basel II đối với hệ thống ngân hàng thương mại từ năm 2014 và bắt đầu tiến trình xây dựng một ngành ngân hàng Việt Nam lành mạnh.

Giúp tái cấu trúc ngành ngân hàng, giảm số lượng ngân hàng yếu kém, nâng cao năng lực của các ngân hàng thương mại đặc biệt là về chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, hệ số an toàn vốn và năng lực quản trị.



Sau khi đã đánh giá được năng lực thực tế của các ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định chọn 10 ngân hàng để thí điểm chuẩn mực tính toán vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II.

Chủ động áp dụng, thực hiện, triển khai Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn đến năm 2018 đã có ngân hàng thành công trong việc hoàn tất triển khai. Đây cũng chính là những ngân hàng đi đầu trong quản trị rủi ro và hiệu quả hoạt động, với chất lượng tài sản hàng đầu, không còn dư nợ trái phiếu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), các hệ số an toàn và thanh khoản lành mạnh, hệ số sinh lời thuộc nhóm cao nhất ngành và đang tăng trưởng rất năng động.

Để triển khai đề án Basel II, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư số 41/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với tổ chức tín dụng (phương pháp tiêu chuẩn của Basel II) và thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại nhằm tạo khung pháp lý để các ngân hàng thực hiện trụ cột 1, trụ cột 2 và trụ cột 3 của Basel II.

Pillar I yêu cầu các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ vốn tự có tối thiểu 8% bao gồm tính vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng các ngân hàng xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực huy động vốn tự có thông qua việc phân loại các phân khúc khách hàng và sản phẩm dịch vụ theo các mức độ rủi ro khác nhau.

Ngoài Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về cách tính toán vốn yêu cầu theo phương pháp tiêu chuẩn, Ngân hàng Nhà nước đã xác định lộ trình ban hành thông tư hướng dẫn về việc triển khai tính toán Tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp xếp hạng nội bộ (Internal rating base), trước mắt là phương pháp xếp hạng tín dụng nội bộ cơ bản (FIRB), dự kiến sẽ lấy ý kiến tổ chức tín dụng trong năm 2019.

Với những ngân hàng có mức độ rủi ro thấp thì sẽ có thể được hưởng lợi thông qua việc xác định vốn tự có ở mức độ thấp hơn.

Trụ cột II của Basel II bao gồm rất nhiều nội dung định tính và định lượng, tóm tắt thành 2 cấu phần lớn: (1) Các chuẩn mực cơ quan quản lý yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng; (2) Đánh giá mức độ đủ vốn của từng ngân hàng.

Hướng dẫn triển khai các nội dung này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 13/2018/TT-NHNN, trong đó có một số thay đổi lớn

Đối với các chỉ tiêu định tính, cơ quan quản lý chỉ ban hành các nguyên tắc và để ngân hàng tự lượng hóa thành các chỉ tiêu nội bộ phù hợp với trình độ phát triển và khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng.

Đối với các chỉ tiêu định lượng quy định tại trụ cột 2, Ngân hàng Nhà nước cũng để mở hướng tiếp cận cho các Ngân hàng tự quyết phù hợp với trình độ phát triển của từng ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng thương mại có thể lựa chọn áp dụng cùng phương pháp tính toán vốn cho các loại rủi ro được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN hoặc tiếp cận theo phương pháp riêng của ngân hàng.

Các bạn có thể tham khảo thêm ở đây: Base 2